BỆNH VÀNG LÁ GÂN XANH CÂY CÓ MÚI
Hỏi: Hiện tượng bệnh vàng lá gân xanh ở cây có múi vẫn còn là một vấn đề?
Trả lời: Đúng vậy, hiện tượng vàng lá gân xanh cây có múi, được gọi là huanglongbing (HLB), vẫn là một vấn đề lớn đối với các nhà sản xuất cam quýt trên toàn thế giới. Rầy chổng cánh là môi giới truyền bệnh và bệnh vàng lá gân xanh do chúng gây ra liên tục được theo dõi để giảm nguy cơ cây bị nhiễm bệnh cho các chuỗi nông nghiệp và thực phẩm.
Mở đầu
Bệnh vàng lá gân xanh trên cây có múi, còn được gọi là Huanglongbing (HLB), là một bệnh nhiễm khuẩn gây tử vong trên cây có múi do rầy chổng cánh châu Á (Diaphorina citri) làm trung gian truyền bệnh. Huanglongbing là tiếng Trung Quốc có nghĩa là Bệnh Rồng vàng vì lá cây có múi bị nhiễm bệnh phát triển thành màu vàng lốm đốm bất thường, tương tự như da của một con rồng màu vàng huyền bí. Ngoài ra, bệnh vàng lá gân xanh trên cây có múi đôi khi còn được gọi là bệnh vàng chồi.
Trước đây hoặc thậm chí gần đây thôi người ta vẫn sử dụng tên cũ cho bệnh này đó là bệnh “greening”. Còn nhớ rằng trong một bài kiểm tra của môn bệnh cây hồi tôi còn đi học tại học viện nông nghiệp có câu hỏi rằng “Đâu là một bệnh trên cây có múi?” và đáp án là “greening” và tôi đã trả lời sai câu hỏi đó. Về sau tôi đã tìm hiểu sâu hơn và bệnh này và sử dụng cái tên mới đó là Huanglongbing. Thực ra tên huanlongbing mãi tới năm 2012 mới được toàn thế giới công nhận.
Có thể khó nhận biết khi cây có múi bị nhiễm bệnh vì cây có thể không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào ngay lập tức. Tuy nhiên, bệnh này lây lan nhanh chóng và có thể làm chết cây trong vòng vài năm ngắn ngủi. Căn bệnh này gây ra một mối đe dọa kinh tế đáng kể đối với ngành công nghiệp cây có múi và nhiều quốc gia đã áp dụng các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt để giảm thiểu sự lây lan.
Sự khó nhận diện của bệnh huanglongbing còn ở chỗ bệnh có các biểu hiện rất giống với các triệu chứng thiếu dinh dưỡng ở cây và thường bị nhầm lẫn với các triệu chứng thiếu dinh dưỡng này. Sự thiếu dinh dưỡn chủ yếu là biểu hiện của việc thiếu kẽm và mangan có thể sảy ra một cách tự nhiên do trong đất thiếu hụt hoặc do pH đất thấp hơn 5, dù trong đất có thì cây cũng không thể hấp thu ở pH này. Tuy nhiên thực ra triệu chứng biểu hiện trên lá cây đúng là triệu chứng thiếu kẽm và mangan hoàn toàn tự nhiên, nhưng nguyên nhân là do vi khuẩn nằm trong mạch dẫn của cây đã cản trở đưa các kim loại này lên lá làm cho lá cây có biểu hiện thiếu hụt các chất này.
Hình ảnh: Rầy chổng cánh châu Á
HLB không chỉ là một vấn đề ảnh hưởng đến người trồng cây thương mại. Do rầy chổng cánh châu Á mang theo bệnh này nên nó có thể di chuyển nhanh chóng tới khắp nơi. Rầy chổng cánh châu Á trích hút vào các cây có múi. Một khi nó ăn phải cây bị nhiễm bệnh, nó sẽ trở thành vật chủ mang vi khuẩn gây bệnh. Khi rầy chổng cánh di chuyển ra xung quanh, vết trích của chúng lên những cây khỏe mạnh gây ra hiện tượng vàng lá nhưng gân lá vẫn còn xanh ở cây có múi do vi khuẩn lây lan. Các cây có múi tại nhà của bạn có thể chứa một quần thể rầy chổng cánh châu Á và trở thành nguồn lây nhiễm bệnh tại chỗ. Sau đó từ sự lây nhiễm nhiễm tại chỗ này sẽ nhanh chóng lây lan sang cả khu vực khác.
Bệnh vàng lá gân xanh (huanglongbing – hoàng long bình) là gì?
Hình ảnh: Các nhà nghiên cứu làm việc để nghiên cứu các phương pháp kiểm soát cho Huanglongbing.
HLB là do vi khuẩn alpha-proteobacteria không được nuôi cấy, hạn chế phloem trong chi Candidatus Liberibacter gây ra. Cây có múi ở Châu Á và Hoa Kỳ bị tác động đặc biệt bởi vi khuẩn Candidatus Liberibacter asiaticus. Vi khuẩn này ảnh hưởng đến sự phát triển của cả cây và trái của gần như tất cả các giống cây có múi. Đây là một trong những bệnh hại cây trồng trong nông nghiệp và thương mại.
Một trong những bản ghi chép đầu tiên về bệnh này bắt nguồn từ Trung Quốc vào năm 1919. Tại Trung Quốc, nơi sản xuất cam quýt là một ngành công nghiệp truyền thống và lâu đời, 11 trong số 19 tỉnh sản xuất cam quýt đã có đợt bùng phát rầy chổng cánh châu Á và sau đó là dịch bệnh này lây lan diện rộng. Các biến thể sau đó đã được báo cáo ở Châu Phi vào những năm 1930. Đến nay, HLB đã có mặt trên 50 quốc gia trên thế giới trong đó có Hoa Kỳ và Việt Nam. Một trong những bang sản xuất cam quýt lớn đầu tiên của Hoa Kỳ bị ảnh hưởng là Florida. Người ta ước tính rằng 10% số cây có múi ở Florida đã bị chết trong vòng bốn năm kể từ khi dịch bệnh xâm nhập. Các nhà sản xuất cam quýt ở Texas, California, Nam Carolina, và nhiều bang miền nam khác cũng đã báo cáo vấn đề này. Mặc dù HLB đã lây lan qua rầy chổng cánh Châu Á, nhưng cũng có thể nó sẽ được du nhập vào Hoa Kỳ thông qua việc ghép cành nhiễm bệnh lên cây có múi khỏe mạnh. Nó tiếp tục là một mối đe dọa lớn đối với ngành công nghiệp cây có múi. Hiện nay thì trường đại học florida cũng đang đi đầu trong các nghiên cứu về huanglonging và liệu pháp sử dụng kháng sinh để ức chế bệnh.
Các loại bệnh Greening
Có ba loài vi khuẩn Candidatus Liberibacter (CL) gây bệnh vàng lá gân xanh cây có múi: CL asiaticus (CLas), CL americanus (CLam) và CL africanus (CLaf). CLas và CLam do rầy chổng cánh Châu Á mang theo và là môi giới truyền bệnh chính còn CL africanus do rầy chổng cánh Châu Phi (Trioza erytreae) làm môi giới truyền bệnh chính. Trong số ba chủng, CLas không chịu được nhiệt hoặc độ ẩm và không được tìm thấy ở các vùng khí hậu nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới.
Các triệu chứng của bệnh xanh lá cây có múi
Các cây có múi khác nhau sẽ xuất hiện các triệu chứng nhiễm bệnh vào các thời điểm khác nhau. Một số triệu chứng ban đầu bao gồm tán cây mỏng đi, cành cây chết đi, chồi và lá vàng nhưng gân lá vẫn còn màu xanh. Nhìn thoáng qua, những triệu chứng này rất giống với dấu hiệu của sự thiếu hụt chất dinh dưỡng, cũng có thể đó là kết quả của bệnh.
Hình ảnh: biểu hiện cây bị vàng lá gân xanh, lá nhỏ hẹp dựng đứng như tai thỏ.
Cây có múi bị nhiễm bệnh cũng sẽ có biểu hiện tích tụ quá nhiều tinh bột trong lá do vi khuẩn tác động vào hệ thống vận chuyển glucose-phosphate của cây. Những lá này giữ tinh bột thay vì nuôi rễ và vận chuyển đường vào quả đang phát triển. Mất Màu xanh của cây có múi cũng làm gián đoạn các chức năng trao đổi chất bổ sung của lá.
Những cây bị nhiễm bệnh tạo ra những quả nhỏ, hình dạng không đối xứng, có vị chua hoặc đắng, hạt bị thâm đen và hỏng. Các quả cũng sẽ cho thấy màu sắc ngược với quả khỏe mạnh khi dần dần có màu vàng hơn từ cuống. Những loại trái cây này không thể được bán thương mại và cũng không được chế biến thành các sản phẩm có múi như nước cam.
Hình ảnh: Quả từ cây bị vàng lá gân xanh
Kiểm soát bệnh vàng lá gân xanh trên cây có múi
Phương pháp chính để kiểm soát HLB là kiểm soát quần thể vật chủ trung gian truyền bệnh, rầy chổng cánh Châu Á. Bệnh vàng lá gân xanh hiện chưa có thuốc chữa nhưng các nhà nghiên cứu từ Đại học California Riverside đang trong quá trình thương mại hóa một phương pháp điều trị mới đầy hứa hẹn cho căn bệnh này. Đó chính là kháng sinh và nano kháng sinh.
Điều trị cho cây có múi
Cây có múi bị nhiễm bệnh sẽ chết trong vòng vài năm và cách tốt nhất hiện nay là chặt cây. Tuy nhiên, vào năm 2020, một nhóm nghiên cứu từ Đại học California Riverside do giáo sư Hailing Jin đứng đầu đã phát hiện ra một phương pháp điều trị mới có thể tiêu diệt vi khuẩn CLas. Cải tiến này sử dụng peptide kháng khuẩn bền ở nhiệt độ cao, dễ sản xuất và an toàn cho con người. Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy peptide này trong chanh ngón tay Úc, một loài họ hàng với cam quýt có khả năng chống lại bệnh vàng lá gân xanh trên cây có múi. Peptide có thể được sử dụng dưới dạng phun qua lá hoặc tiêm vào các cây có múi dương tính với HLB. Vì peptide này có thể tăng cường phản ứng miễn dịch của cây đối với HLB, nó thậm chí có thể được phát triển thành vắc xin cho cây non. Các thử nghiệm thực địa hiện đang được tiến hành ở Florida.
Phòng bệnh Huanglongbing (HLB)
Các nhà nghiên cứu nông nghiệp ở tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc đã phát triển một kế hoạch giảm thiểu bệnh vàng lá gân xanh cây có múi gồm bốn bước và đã tích cực đào tạo nông dân về các kỹ thuật quản lý bệnh này. Một số bước này cũng có thể được áp dụng cho những người làm vườn tại nhà.
Đầu tiên, các nhà khoa học khuyên bạn nên trồng một “vành đai cách ly” cây tuyết tùng xung quanh vườn cây ăn quả có múi để hoạt động như một rào cản vật lý chống lại sự lây lan của rầy chổng cánh. Ngoài ra, mùi hương của cây tuyết tùng khiến rầy chổng cánh tìm kiếm cây có múi bị nhầm lẫn.
Tiếp theo, những cây bị nhiễm bệnh phải được loại bỏ hoàn toàn. Những người trồng cam quýt được khuyến khích sơn gốc cây bằng hỗn hợp dầu diesel và thuốc diệt cỏ để ngăn cây mọc lại để cây cũ không phát triển thêm cành mới. Nếu cần thiết có thể đào cả gốc cây và đem đi tiêu hủy, đốt bỏ.
Bước thứ ba là phun thuốc trừ sâu cho tất cả các cây có múi để kiểm soát quần thể rầy chổng cánh Châu Á trùng với mỗi đợt phát triển chồi mới của cây có múi. Điều này thường được thực hiện trong các hoạt động thương mại bởi các chuyên gia. Cây có múi có thể có 2-3 đợt nảy chồi mỗi năm có nghĩa là các biện pháp kiểm soát hóa học cũng phải được áp dụng nhiều lần trong năm. Liên quan đến bước này là cắt tỉa và quản lý cây tốt để đảm bảo các cây có chiều cao tương đương nhau và cắt tỉa đúng cách. Cây có kích thước đồng đều và chiều cao cân xứng có thể quản lý được giúp người trồng dễ dàng kiểm tra và kiểm soát côn trùng dịch hại hơn.
Cuối cùng, mua những cây có múi mới ít nhất hai năm tuổi và sạch bệnh vàng lá gân xanh. Một cây non khỏe mạnh sẽ bắt đầu mạnh mẽ và ra quả nhanh hơn. Nếu bạn đang thay thế một cây trong vườn cây ăn quả, mua một cây có múi lâu năm hơn cũng có thể giúp cây đó bắt kịp những cây khác và duy trì chiều cao ổn định trong suốt thời gian sau đó.
Ngoài bốn bước này, điều quan trọng là duy trì sự sống khỏe mạnh của đất để đảm bảo rễ cây có múi có thể phát triển mạnh mẽ và hấp thụ chất dinh dưỡng hiệu quả. Có những kẻ thù tự nhiên đối với rầy chổng cánh Châu Á và điều quan trọng là phải áp dụng phương pháp quản lý dịch hại tổng hợp để thu hút những loài côn trùng có ích này.
Cũng nằm ngoài các bước trên thì bón phân cân đối cũng được xem là bước tiên quyết để cây phát triển khỏe mạnh. Thông thường cần bón thêm phân hữu cơ cho cây.
Tham khảo:
Phân hữu cơ
Thuốc đặc trị rầy excel basa 50 EC
Reasgant
Actara 25 WG
Gold fly 95 EC
Ma Quang Hiệp
Pleiku, 2022