KỸ THUẬT XỬ LÝ RA HOA TRÊN CÂY BƯỞI VÀ CÂY TRỒNG KHÁC

            Có những cây trồng luôn ra hoa rất sai và đồng loạt, nhưng cũng có những cây trồng lại ra hoa lẹt đẹt, không đồng loạt. Các bạn biết vì sao không?  Tất nhiên loại cây trồng mà tôi muốn nói tới ở đây là cây ăn quả, chứ hoa thì không nói làm gì vì vòng lặp ra hoa, tàn hoa rồi lại ra hoa mới của cây lấy hoa rất ngắn. Còn đối với cây ăn quả thì thời gian này rất dài, trung bình một năm mới hoàn thành một vòng lặp hoa nở, hoa tàn, kết quả, và thu quả.

Quay lại với câu hỏi đầu bài, lý do gì mà lại có những cây rất sai hoa và ra hoa đồng loạt, trong khi lại có những cây hoa lác đác mà không đồng loạt. Câu trả lời đó chính là do điều kiện tự nhiên hay chính là khí hậu của vùng trồng cây đó.

Ví dụ ở Việt Nam, có hai kiểu khí hậu khác nhau rõ rệt ở phía bắc và phía nam. Trong khi phía bắc có một mùa đông lạnh kéo dài khoảng 3 tháng thì miền nam  lại có khí hậu ôn hòa hơn, ấm áp quanh năm. Sự khác biệt về khí hậu cũng sẽ tạo ra sự khác nhau về loại cây trồng và khác nhau lớn nhất về kiểu ra hoa của cây.

Ở miền bắc cây sẽ ra hoa một mùa, đồng loạt và sai hoa. Vì mùa đông khô hạn và lạnh làm cho cây kìm hãm sinh trưởng và đây chính là điều kiện tự nhiên để hãm ra hoa một cây, do đó khi mùa xuân đến lượng mưa dồi dào, cây sẽ trổ hoa một cách đồng loạt. Như vậy thì lạnh và khô hạn hay chính xác hơn là làm chột cây (kìm hãm phát triển của cây) chính là cách để làm cho cây ra hoa đồng loạt.

Ở miền nam thì cây sẽ không ra hoa đồng loạt mà sẽ ra hoa gần như quanh năm, mỗi lần một số hoa nhất định nhưng chắc chắn số lượng hoa sẽ không đồng loạt cả cây, vì sao ư? Vì ở miền nam không có điều kiện tự nhiên làm chột cây như miền bắc cho nên cây sẽ phát triển tự nhiên, cành nào trên cây tới tuổi ra hoa thì sẽ ra hoa, hoặc một số thời điểm nào đó khô hạn vài ngày mà gặp mưa xuống cũng sẽ ra hoa ở một số cành.

Giống như cây bưởi da xanh vậy, ở miền nam sẽ cho ra quả quanh năm, mỗi lần ra hoa đậu một số quả nhưng khi mang giống ra miền bắc thì lại không sai quả dù hoa rất sai. Đó là do bưởi da xanh khi ra miền bắc gặp điều kiện hãm cây tự nhiên thì ra hoa đồng loạt và rất sai, tuy nhiên do thời điểm ra hoa ở miền bắc là thời điểm mưa nhiều mà trong khi bưởi da xanh không được thích nghi với điều kiện tự nhiên đó nên quả đậu bị kém hơn so với các giống bưởi bản địa ở miền bắc. Nếu hãm ra hoa lệch vụ từ tháng 12 thì bưởi lại đậu quả rất sai vì thời điểm đó không có mưa ở miền bắc.

Vậy nếu cây trồng ở điều kiện tự nhiên không có mùa đông lạnh, tức là không có điều kiện hãm cây ra hoa tự nhiên thì làm cách nào để cây có thể ra hoa đồng loạt. Câu trả lời đó là chúng ta cần phải xử lý ra hoa cho cây, theo một số cách sau. Bài viết này sẽ xử dụng cây bưởi làm ví dụ vì cây bưởi là một trong những cây hãm ra hoa khó nhất khi không có mùa đông lạnh khô. Các cây trồng khác hoàn toàn tương tự.

1/ Xử lý ra hoa bằng cách tạo sự khô hạn:

            Một trong những đặc điểm của cây có múi nói chung và cây bưởi nói riêng so với những loại cây ăn trái khác là không có sự khác nhau giữa mầm chồi và mầm trái. Không có sự biến chuyển của chồi trong nhiều năm mà mỗi chồi có thể phát triển trong một năm để tạo mầm hoa và sẽ mang một hay nhiều trái ở cuối cành.

Cây bưởi ra hoa cần thời gian khô hạn để phân hoá mầm hoa, vì vậy ở các vườn quản lý được nước thì có thể tạo sự khô hạn để cây ra hoa đồng loạt. Việc tạo khô hạn vào tháng 12-01 dương lịch sẽ thu hoạch quả vào Tết Trung Thu (khoảng tháng 7-8 dương lịch); hoặc tạo khô hạn ở tháng 3-4 dương lịch thu hoạch quả vào tết Nguyên Đán (khoảng tháng 12 dương lịch). Gặp lúc mưa thì có thể dùng tấm nylon đen che phủ chung quanh gốc cũng có thể tạo sự khô hạn để xử lý ra hoa, tuy nhiên phải tốn chi phí để mua nylon và tỷ lệ ra hoa không cao.

Sau khi thu hoạch xong tiến hành vệ sinh vườn như: cắt tỉa cành già, cành sâu bệnh, làm cỏ, quét vôi gốc… kế đến bón phân với liều lượng tùy thuộc vào sự sinh trưởng và tuổi cây.

Cụ thể tiến hành như sau:

B1: Sau khi thu hoạch tiến hành cắt tìa cành già không năng suất, cành sâu bệnh, làm cỏ, tạo tán.

B2: Bón phân đạm và lân khá cao để hồi phục cây. Chú ý kết hợp thêm humic để bảo vệ bộ rễ luôn khỏe.

Tham khảo NPK phú mỹ 16-16-8. Humic

B3: Bón phân lần hai sau khi bón lần 1 25-30 ngày. Cách bón giống lần 1.

B4: Sauk hi bón phân lần 2 25-30 ngày bắt đầu tạo khô hạn cho vườn cây. Hoàn toàn không tưới cây, nếu trời mưa tiến hành che gốc cây bằng bạt, Để đất khô nứt nẻ, lá cây cằn cỗi lại là tốt nhất.

B5: Thời gian tạo khô hạn từ 10-25 ngày cho tới khi thấy cây cằn cỗi, lá cứng và già là được. Trong thời gian tạo khô hạn tiến hành phun 2 lần siêu lân cách nhau 7 ngày để cây phân hóa mầm hoa tốt hơn.

B6: Tưới nước trở lại cho vườn cây, tưới đẫm vườn liên tục trong 3-4 ngày cho tới khi thấy cây tươi trở lại.

Sau khi tưới nước liên tục thì 7-10 ngày sau cây sẽ bắt đầu ra hoa đồng loạt. Tiến hành phun thêm siêu kali bo để cây đậu quả tốt hơn.

Tham khảo:

Siêu lân

Siêu kali

2/ Xử lý ra hoa bằng cách loại bỏ lá trên cành mang trái

            Sau khi thu hoạch xong cũng tiến hành vệ sinh vườn như: cắt tỉa cành già, cành sâu bệnh, làm cỏ, quét vôi gốc…

Sau đó tiến hành bón phân gốc chuẩn bị hãm ra hoa giống như phần đầu tiên. Liều lượng theo tuổi cây và kích thước cây.

Sau khoảng một tháng lá cây bắt đầu đứng lại và dừng phát triển thì tiến hành vặt bỏ lá già trên cây. Dựa vào kinh nghiệm để dự đoán cành sẽ mang quả và tiến hành vặt bỏ lá trên cành đó. Nếu không vặt lá thì cành đó vẫn sẽ mang quả nhưng sẽ ra hoa chậm hơn và theo mùa chứ không ran gay như khi tiến hành hãm. Chú ý là nên tiến hành vặt lá từ cành dưới thấp sát mặt đất trước rồi mới tiến hành ở trên.

Nên chọn cành vặt lá là những cành già lá có màu xanh đậm.

Khuyến cáo:

Phương pháp này không nên tiến hành trên cây có múi.

Phương pháp này nên tiến hành trên các cây chi mận mơ. Tiến hành vặt hết lá trên cây cây sẽ ra hoa đồng loạt và lên lộc mới cùng một lúc. Tiến hành phun siêu lân trong thời gian vặt lá phun 2 lần cách nhau 7 ngày sẽ tăng hiệu quả xử lý ra hoa.

Nếu miễn cưỡng tiến hành trên cây có múi thì chỉ vặt bỏ lá già sát trong thân, còn để lại các lá bánh tẻ, lá ngoài đầu cành vì cây có múi quá trình ra hoa và ra lộc không đồng loạt cho nên sẽ không có lá để nuôi quả nếu vặt hết lá.

Ưu điểm: kỹ thuật này đơn giản dể làm, không tốn hoá chất để xử lý ra hoa. Trái bưởi nằm bên trong tán nên tiết kiệm được cây chống đỡ, hạn chế trái bưởi bị nám nắng. Trái ra theo vị trí mong muốn nên thuận lợi trong chăm sóc và thu hoạch.

Nhược điểm: tốn công lao động trong trường hợp áp dụng vào trang trại có diện tích lớn từ vài hecta trở lên; Khó áp dụng cho cây bưởi đã nhiều năm tuổi, cây cao trên 3 mét, già cỗi.

Tham khảo:

Thuốc cỏ vườn

Phân bón NPK đầu trâu 20 20 15

3/ Xử lý ra hoa bằng cách sử dụng hoá chất: có thể dùng Paclobutrazol ở liều lượng 2,5g-5gr/ cây (tùy theo tuổi cây và đường kính của cây mà tăng giảm liều lượng) tưới xung quanh gốc hoặc phun lên cây ở nồng độ 1000-2000ppm cũng có khả năng giúp cây bưởi ra hoa. Trên cây bưởi năm Roi phun Paclobutrazol nồng độ 1.000ppm, sau đó 30 ngày phun tiếp Thiourea (Thiocarbamide ) nồng độ 0,3% sẽ giúp bưởi năm roi ra hoa đồng loạt và sai quả. Trên bưởi long Cổ Cò 5 năm tuổi quét Paclobutrazol liều lượng 1 gr/gốc đạt tỷ lệ ra hoa 60-70%. Hoặc dùng Ethrel (ethephon) 500ppm phun lên lá hoặc tưới gốc. Trước khi xử lý hóa chất thì cây cũng được bón phân 2 lần (trước ra hoa) giống như các phương pháp xử lý ra hoa khác, sau khi xử lý hóa chất cũng cần giảm dần lượng nước tưới và khi cây ra hoa thì tưới nước trở lại.

Việc sử dụng hóa chất để xử lý ra hoa cho cây bưởi cần phải thận trọng vì có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến cây bưởi, nên làm thử nghiệm một vài cây ở các nồng độ từ thấp đến cao từ đó rút ra kinh nghiệm trước khi quyết định sử dụng đại trà trên vườn.

Một vài người kinh nghiệm cao họ có thể xử dụng thuốc cỏ thể xử lý ra hoa cây có múi. Cách làm của họ đó là phun thuốc cỏ loãng lên cây để diệt đi đợt lộc của cây ra trước lúc ra hoa. Với tác dụng của thuốc cỏ loãng cây sẽ chết lộc non mà không chết cây, sau đó cây sẽ bị chột ngừng phát triển và bước vào giai đoạn phân hóa mầm hoa. Khuyến cáo đây là cách làm của những người có kinh nghiệm và kỹ thuật rất cao, họ biết tuổi cây nào nên phun nồng độ bao nhiêu nên người mới ít kinh nghiệm tuyệt đối không thử. Phương pháp này thường được áp dụng trên cây vải.

Ưu điểm: cây ra hoa theo ý muốn; Ít chịu ảnh hưởng của sự tác động ẩm độ trong đất trong thời gian xử lý; Thuận lợi trong chăm sóc, phòng ngừa sâu bệnh và thu hoạch; Tổng thu nhập một lần bán sẽ cao hơn so với để ra hoa tự nhiên.

4/ Một phương pháp xử lý ra hoa phổ biến nhưng không nên dùng

            Có 2 phương pháp xử lý ra hoa rất hiệu quả là kinh nghiệm dân gian tuy nhiên chỉ sử dụng khi bạn là người am hiểu về nông nghiệp và có kỹ thuật về cây trồng. Còn nếu bạn là người mới thì tuyệt đối không nên sử dụng hai phương pháp này. Đó là chặt rễ và khoanh gốc cây trồng.

Về chặt rễ thông thường sẽ áp dụng với cây trồng trên mô đất, tiến hành cuốc quanh mô đất cho cây đứt bớt rễ để giảm lượng dinh dưỡng đưa lên cây, qua đó cũng gây ra sự chột ở cây và cây sẽ ra hoa.

Còn khoanh gốc cây đó là dùng một chiếc kéo khoanh quanh gốc cây để làm đứt mạch dẫn của cây khiến cho dinh dưỡng lên cây ít đi làm cho cây bị chột và phân hóa mầm hoa.

Về bản chất thì người áp dụng thường áp dụng hai phương pháp này cùng nhau gọi là cắt rễ và khoanh gốc.

Hai phương pháp này đều là tạo ra vết thương cơ giới ở trên cây, đều là vị trí thích hợp để các loại sâu bệnh hại xâm nhập và gây hại cho cây trồng.

Nếu bạn không có kinh nghiệm thì rất có thể bạn sẽ làm cây đứt nhiều rễ quá hoặc vết khoanh gốc của bạn to quá khiến cho cây không thể liền lại vỏ và dẫn đến chết cây, hoặc nếu vết khoanh quá nhỏ và rễ đứt quá ít thì cũng không hiệu quả trong việc hãm ra hoa ở cây.

Một lần chặt rễ thành công là lượng rễ bị đứt của cây vừa đủ, vết khoanh vừa đủ để có thể liền lại mà lại hãm được dinh dưỡng (đặc biệt là nước) lên cây để phân hóa hoa. Tuy nhiên sau đó sẽ phải phòng nấm và vi khuẩn xâm nhập qua vết thương cơ học mà chúng ta đã tạo ra đó, nếu bị tác nhân gây bệnh xâm nhập thì chúng ta coi như đã thất bại.

Một lý do nữa không nên áp dụng phương pháp này đó là dù có khoanh thành công, chặt rễ thành công, phòng bệnh hại thành công thì cây sẽ vừa phải phân hóa hoa, vừa phải hồi phục thương tổn, làm cho hiệu quả xử lý ra hoa sẽ giảm.

Nhìn chung đây là phương pháp xử lý ra hoa không nên sử dụng.

5/ Phối hợp các phương pháp xử lý ra hoa

            Việc phối hợp các phương pháp xử lý ra hoa sẽ giúp cho việc hãm cây đạt hiệu quả hơn.

Ví dụ như chúng ta kết hợp phương pháp tạo khô hạn với ngắt một số lá già trên cành và phun thêm hóa chất phân hóa mầm hoa sẽ giúp cho cây phân hóa hoa tốt hơn, hoa sai hơn.

Với ba phương pháp xử lý ra hoa đầu tiên nên sử dụng và nếu kết hợp với nhau thì cường độ áp dụng mỗi phương pháp sẽ phải giảm xuống. Ví dụ như nếu kết  hợp cả 3 phương pháp thì tạo khô hạn sẽ chỉ còn 5-7 ngày, vặt lá sẽ chỉ vặt bỏ đi 3-5 lá, phun thuốc cũng phun liều lượng giảm xuống.

Trên đây là 3 cách thức sử lý ra hoa ở cây bưởi nói riêng và cây có múi nói chung. Chúc các bạn thành công.

Quang Hiệp Ma

Bắc Giang, 28/09/2022

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *