CÁC LOẠI RAU TRỒNG TRONG VƯỜN RAU TẠI NHÀ CHO NGƯỜI MỚI BẮT ĐẦU
Trong bài trước chúng ta đã được biết về cách cơ cấu một vườn rau mini tại nhà rồi. Hôm nay tôi sẽ hướng dẫn các bạn người mới chi tiết cách trồng các loại rau trên khu vườn đó nhé.
PHẦN 5: CÂY ỚT
Hình ảnh: Quả ớt chuông
Ớt là một loại cây trồng mùa nóng và có nhiều màu sắc, hình dạng và kích cỡ. Hầu hết các giống ớt đều có khả năng chống lại các loại sâu bệnh hại vườn phổ biến. Trong bài viết này tôi sẽ tập trung nhiều vào cây ớt chuông vì giống ớt này ít quả và lượng tiêu thụ trong bữa ăn hàng ngày nhiều hơn là cây ớt cay đỏ. Tôi nghĩ rằng nếu ớt đỏ thì dù cho có khách tới nhà thì chúng ta cũng có thể mời nhau vài quả mà trong khi trên cây là có hàng trăm quả ớt nếu chính vụ do đó chỉ trồng 1 – 2 cây là quá đủ rồi.
Hơn nữa nếu chỉ trồng 1 – 2 cây ớt thì các bạn có thể xem hướng dẫn trồng ớt trong thùng xốp mà chúng tôi đã đăng tải từ trước.
Ngoài ra kỹ thuật trồng ớt đỏ và ớt xanh có thể sử dụng chung cho nhau vì cách trồng hai loại cây này giống nhau hoàn toàn.
Giới thiệu về Ớt chuông
Ớt có thời gian sinh trưởng dài (60 đến 90 ngày), vì vậy hầu hết người trồng ớt đều mua cây giống từ các vườn ươm. Tuy nhiên ở Việt Nam cây giống ớt chuông không hẳn là sẵn vì vậy bạn nên ươm hạt vào bầu trước từ 4-6 tuần cho đến khi cây cứng cáp thì mới trồn ra ngoài trời.
Nếu thời tiết ấm áp bạn cũng có thể gieo trực tiếp hạt ớt vào hố ngoài trời. Nên gieo tập trung cho tới khi cây lớn cứng cáp thì đánh ra trồng vào luống.
Ớt đỏ và ớt xanh là nguồn cung cấp vitamin C, một số vitamin A và một lượng nhỏ các khoáng chất. Nếu lượng ớt đỏ loại cay quá nhiều bạn có thể làm thêm món ớt ngâm giấm hoặc ớt bột để sử dụng lâu dài hơn.
Phải thừa nhận rằng nếu có cây ớt chuông trong vườn cây thì trông khu vườn sẽ trở nên chuyên nghiệp hơn rất nhiều.
Phát sinh và phát triển
Ớt là cây nưa nắng nên vị trí trồng ớt cần đầy đủ ánh nắng chiếu sáng trực tiếp mỗi ngày khoảng 6-7 tiếng trở lên. Đất trồng ớt phải có cơ giới nhẹ, độ mùn cao và thoát nước tốt. Nếu đất sét hoặc thịt nặng thì cần trộn thêm đất sạch lên mặt rồi trộn thêm phân hữu cơ đã qua xử lý trước khi trồng.
Tham khảo:
Đất sạch
Phân hữu cơ đã qua xử lý
Tránh trồng ớt ở những nơi gần đây bạn đã trồng các cây khác cùng họ với cây ớt — chẳng hạn như cà chua, khoai tây hoặc cà tím — vì điều này có thể khiến ớt bị nhiễm bệnh.
Thời điểm trồng ớt
Trồng ớt khi nhiệt độ đã ấm lên và qua mùa đông lạnh giá ở miền bắc và có thể trồng quanh năm ở miền nam.
Nếu là một người trồng cây chuyên nghiệp thì sẽ gieo hạt vào bầu đất trước khi trồng khoảng tứ 4-6 tuần.
Tốt nhất nên trồng ớt khi thời tiết đã ấm lên hoàn toàn và không còn sương giá.
Khoảng cách cho Ớt
Cây ớt thích hợp trồng trên luống ngoài trời là những cây thân thẳng, bắt đầu phân nhánh, gốc càng to càng tốt. Cây ớt phải cứng cáp và không có sâu bệnh cũng như tổn thương cơ học.
Đào hố lớn và trộn kỹ đất với phân hữu cơ đã qua xử lý sau đó vùi ngập bầu đất của cây ớt con vào trong hố.
Cấy khoảng cách giữa các cây là từ 30 – 45 cm và hàng cách hàng là khoảng 75cm – 1m. Trước khi trồng có thể đổ đầy nước vào các hố để cho đất hút nước. Lưu ý không trộn phân có nhiều đạm vì sẽ làm tốt cây nhưng ít hoa và quả trên cây sẽ ít. Lúc đó bạn thay vì thu hoạch quả ớt thì sẽ chỉ thu hoạch ngọn ớt nấu canh mà thôi.
Có thể phù màng phủ màu tối lên luống loại nilon đục lỗ sẵn để trồng cây. Thời điểm phù là trước khi cấy cây khoảng 2 ngày cho tới 1 tuần. Cách làm này sẽ hạn chế cỏ dại.
Nên cấy cây con vào những ngày trời mát hoặc vào chiều mát vì sẽ đỡ bị héo cây. Không nên cấy vào những lúc nắng nóng gay gắt.
Khi lấy cây con ra khỏi bầu chú ý không được giật quá mạnh có thể làm đứt rễ hoặc phần non của cây. Cần phải làm nhẹ nhàng, bóc vỏ bầu từ từ và không được làm đứt rễ của cây.
Tưới nước cho cây sau khi trồng.
Sau khi trồng nên tưới thêm chế phẩm kích ra rễ humic sẽ giúp cây phát triển tốt hơn.
Tham khảo: Humic
Thông thường sau khi trồng sẽ cắm 3 cọc theo 3 hướng khác nhau bao quanh lấy gốc cây và sẽ là điểm tựa cho thân cây sau này phát triển dựa vào cọc nhằm tránh gãy đổ cây. Nên cắm cọc ngay sau khi trồng vì cắm muộn có thể sẽ ảnh hưởng đến bộ rễ của cây nếu cây đã phát triển bộ rễ khỏe mạnh ra tới vị trí cắm cọc.
Giai đoạn phát triển
Tưới nước thường xuyên cho cây trồng tuy nhiên không tưới quá nhiều nước. Mỗi lần tưới chỉ cần nước đủ ướt quanh gốc cây và không đẫm đất. Tưới Nước như vậy khoảng 2 lần mỗi tuần. Tưới nước như vậy là đủ bạn đừng sợ khô vì cây ớt cần đất khá khô để phát triển bộ rễ tốt hơn và đất khô giúp cây ra nhiều hoa và quả hơn. Nếu tưới quá nhiều cây sẽ phát triển mạnh về thân lá.
Trong điều kiện khí hậu nắng nóng hoặc khô hạn, hoặc vào thời điểm cao điểm của mùa hè, bạn có thể cần phải tưới nước hàng ngày. Lưu ý rằng ở các vùng khô hạn ở độ cao khoảng trên 1200m, ớt chuông ngọt thường không phát triển cùi dày và nhiều thịt. Để nhận biết cây thiếu nước chúng ta hãy quan sát cây thấy dấu hiệu héo hơi rũ thì tiến hành tưới nước cho cây, nếu cây héo lâu thì có thể sẽ chết.
Ớt cực kỳ nhạy cảm với nhiệt. Hoa có thể rụng nếu cây bị quá nhiệt — nếu trời quá nóng (trên 35 ° đến 40 ° C vào ban ngày) hoặc lạnh (dưới 10 ° C vào ban đêm) hoặc nước không đủ cây bị khô héo. Sử dụng vải che bóng hoặc che hàng để tránh nắng nóng.
Thường xuyên làm cỏ cho luống ớt và cố gắng hạn chế làm ảnh hưởng tới rễ của cây.
Bón thêm phân hữu cơ cho cây vào thời điểm cây ra hoa. Cách bón là trộn phân vào đất phía ngoài tán của cây để không làm ảnh hưởng tới bộ rễ. Sau khi bón xong thì tiến hành tưới nước cho cây.
Các giống được khuyến nghị
Dù bài viết này nói nhiều về ớt chuông xanh nhưng tôi vẫn sẽ đưa thêm giống ở đỏ để các bạn tham khảo. Các bạn có thể tham khảo đặc tính kỹ thuật của từng loại ớt trên bao bì của hạt ớt để chọn loại ớt mà mình sẽ trồng cho thích hợp.
Tham khảo:
Ớt ngọt:
Giống ớt chuông Đà Lạt
Giống Ớt Ngọt f1 SV No.1
Ớt cay:
Giống ớt hiểm lai f1 santa 8.0
Going ớt sừng Mekong 223
Hạt giống ớt lai f1 solar 135
Thu hoạch
Khi cây bắt đầu ra quả, hãy hái ngay khi chúng đã đạt đủ kích thước và màu sắc. Việc hái thường xuyên sẽ khuyến khích cây ra nhiều hoa hơn và dĩ nhiên là có nhiều quả hơn.
Ớt chuông ở trên cây càng lâu thì chúng càng ngọt và hàm lượng vitamin C càng cao.
Dùng dao hoặc kéo sắc để cắt ớt trên cây, không nên ngắt bằng tay vì sẽ làm tổn thương cây.
Cách bảo quản Ớt:
Ớt có thể được bảo quản lạnh trong túi nhựa kín lên đến 10 ngày sau khi thu hoạch.
Ớt chuông có thể được đông lạnh để sử dụng lâu dài. Ớt sau khi thu hái về rửa sạch, lau khô và thái thành miếng rồi cho vào hộp kín và cấp đông ngay sau đó. Khi nào ăn thì bỏ hộp ra giã đông.
Ngoài ra ớt chuông cũng có thể được sấy khô bằng cách cho vào lò sấy lạnh nhiệt độ khoảng 40 độ C và sau đó bảo quản trong tủ lạnh và khi nào ăn có thể mang ra ngâm thêm nước.
FacT về cây ớt:
Ớt chuông ngọt không chứa capsaicin, đây là hợp chất tạo cho ớt có vị cay và tính nóng.
Thực chất ớt chuông xanh và đỏ trong siêu thì là cùng một loại ớt. Khác nhau là ớt đỏ đã chín và ớt xanh thì chưa. Một khác nhau nữa là ớt đỏ ở trên cây lâu hơn nên sẽ chứa nhiều vitamin C hơn nhưng ớt đỏ vẫn ngọt hơn ớt xanh.
Ớt chuông có quả đực và quả cái thực chất là một cú lừa của dân mạng. Đúng vậy có nhiều người nói rằng ở đực có 3 u (tạm gọi là múi) và ngon hơn trong nấu ăn và ớt cái có 4 u (4 múi) và có nhiều hạt hơn nhưng ngọt hơn. Tuy nhiên đây chỉ là cú lừa vì thực tế ớt không có khái niệm ớt đực và cái mà sự khác biệt đó đến từ giống ớt cũng như điều kiện chăm sóc cũng như khả năng phân hóa lá noãn tự nhiên của cây. Giống như số lượng múi bưởi khác nhau giữa các quả bưởi vậy.
Canh ngọn ớt ăn khá ngon, bạn có thể hái ngọn và nấu canh giống như rau đay. Hồi nhỏ tôi khá thích món ăn này cũng có thể vì điều kiện hồi đó khó khăn.
Sâu bệnh hại cây:
Nhện và rệp là hai loài gây hại phổ biến trên ớt, đặc biệt là những cây trồng dưới giàn che. Nhện thông thường có 3 loại là nhện đỏ, nhện trắng và vàng. Biểu hiện trên cây của nhện là lá sẽ bị rám hoặc có đốm trắng bạc màu. Phong trừ nện quy mô lớn bằng hóa học rất khó khăn tuy nhiên với vài cây trong vườn nhà thì lại rất dễ bạn chỉ cần dùng vòi xịt nước xịt lên cây để rửa nhện đi hoặc xịt nước rửa bát pha loãng lên cây là được.
Rệp thường hại dưới mặt dưới của lá và cũng có thể xuất hiện ở cành hon hoặc ngọn. Nếu cây dưới dàn che ít nắng thì sẽ bị nặng hơn. Loại này cũng khá dễ trừ bạn có thể phun cồn loãng lên cây tại vị trí có rệp xuất hiện hoặc phun nước rửa bát loãng lên cây cũng có thể phòng trừ được loại này.
Một số loài bọ rùa, ánh kim, sâu non của một số loại bướm cũng có thể xuất hiện và phá hoại cây ớt. Tuy nhiên giờ bạn đã là người làm vườn khá có kinh nghiệm nên có thể nhận biết khi nào có sử xuất hiện của chúng. Quan sát thấy có các vết ăn trên lá, ngọn là có thể biết được. Nếu mật độ ít thì có thể bắt bằng tay vào buổi tối hoặc nếu mật độ quá cao thì có thể phun chế phẩm trừ sâu không độc hại secsaigon cho cây.
Tham khảo:
Chế phẩm trừ sâu không độc hại secsaigon
Về bệnh hại thì có một số bệnh phổ biến và đặc trưng của cây ớt như là bệnh thán thư ớt. bệnh này do nấm gây ra và có biểu hiện là trên lá và quả có các vị trí bị chết một phần màu nâu hoặc vàng nâu nhưng các vị trí còn lại vẫn còn xanh hoặc còn sống khỏe. Cách phòng trừ loại này đó là cắt nước lên cây, không tưới nước lên cây, loại bỏ toàn bộ lá và quả bị bệnh, thường xuyên cắt tỉa cành cho thông thoáng sẽ có hiệu quả phòng trừ rất cao. Khi trời nắng lên bệnh sẽ hết.
Bệnh khảm lá ớt do virus gây ra. Loại này khá phức tạp vì không chữa được. Biểu hiện là phần nhiễm virus sẽ có lá bị khảm vàng, xoăn, biến dạng không còn hình dạng ban đầu. tuy nhiên chúng ta có thể quản lý bằng cách ngắt bỏ cành bị khảm đó, nếu virus chưa lan cả cây thì chúng ta có thể giữ lại được cây đó, nếu sau đó vẫn tiếp tục bị thì tiến hành nhổ bỏ cây và đem tiêu hủy. Phòng loại này bằng cách tiêu diệt các loại môi giới truyền bệnh là rầy và rệp. Có nghĩa là nếu cây không bị rầy rệp trích hút thì sẽ không bao giờ bị.
Thối rễ thường do tưới nhiều nước hoặc làm đứt rễ của cây khiến cho nấm bệnh và vi khuẩn có thể xâm nhập vào gây hại. Biểu hiện loại này là cây héo rũ, rễ thối và chết. Phòng loại này bằng cách tưới nước đủ không tưới nhiều, không gây tổn thương vùng rễ của cây và thường xuyên tưới chế phẩm vi sinh đối kháng cho đất.
Trên đây là toàn bộ những gì cần biết để trồng một luống ớt trong vườn rau mini tại nhà. Chúc các bạn thành công.
Ma Quang Hiệp.